TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

Người Nông Dân Thầm Lặng

Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Truyện ngắn

Lời Giới Thiệu: Đây là truyện ngắn của nhà văn Dương Đại Trường. Tất cả tên của những nhân vật trong câu chuyện đều là hư cấu. Vì vậy, mọi sự trùng hợp ngoài đời là ngoài ý của tác giả. Câu chuyện được trích từ tuyển tập truyện ngắn nhan đề Chiều Xưa Nhạt Nắng của nhà văn Dương Đại Trường.

Adelaide 30/11/2015
Dương Đại Trường

 

- Hực! Hực! Hực!...
     Tiếng đằng hắng của lão Nguyễn phát ra nơi căn nhà kính cuối dãy làm cho Nam chú ý và đưa mắt nhìn quan sát qua khe hở xuyên vào bên trong nhà kính, thấy mập mờ dáng đi của lão. Vai lão mang vòng dây xịt thuốc sâu rầy, choàng qua cổ, tay đưa cần xịt lên cao phun thuốc vào những ngọn dưa leo đang bị màn nhện của rầy đỏ phủ trùm trắng xóa!!! Lão vừa đi chầm chậm vừa gằn giọng mắng chữi bà vợ:
- Tôi nói với bà nhiều lần rồi! Bà không nên quan hệ với phe nhóm của thằng Phú nữa. Bọn nó không tổ chức bầu cử, có âm mưu độc tài điều hành hội Nông Gia Việt Nam-Nam Úc...
     Lão Nguyễn vẫn lãi nhãi, nhưng vợ lão không nghe vì tiếng động cơ của chiếc máy xịt thuốc đã làm áp đi tiếng nói của lão. Không nghe vợ trả lời, lão tức giận ném cần xịt thuốc xuống đất, đi vội ra đầu nhà kính, lão lớn tiếng thô lổ với bà vợ:
- Mầy có nghe tao tự nảy giờ nói gì không hả?
      Vợ lão chưng hửng, trố mắt nhìn lão, đáp nhanh:
- Không! Ông nói gì?
- Mầy điếc hả?
      Thấy tự nhiên bị chồng mắng chữi vô cớ, bà Thu nổi giận đáp trả:
- Tao điếc hay là mầy điếc? Xem kìa! Mặt mầy giống con khỉ phải gió, định cắn người hả?
        Lão Nguyễn nghe vợ nói mình giống con khỉ, lão giơ tay lấy chiếc cộc sắt dựng nơi cánh cửa, lồng lộng thét lên:
- Tao đánh cho mầy vở mồm! Đánh cho mầy biết tao là con khỉ....
     Bà Thu thấy chồng hung hăng muốn lấy cái mạng của mình, bà vội bỏ chạy qua nông trại của Nam bên cạnh. Bà vừa chạy vừa kêu cầu cứu:
- Ông Nam ơi! Cứu tôi với! Thằng Nguyễn nó giết tôi...
      Nam xưa nay biết vợ chồng của lão Nguyễn chữi nhau như cơm bửa, nên khi nghe bà Thu kêu cứu, Nam chỉ thò đầu ra nhìn rồi khẻ nói:
- Ổng chỉ hù dọa bà thôi! Có dám đánh đấm, dám giết gì đâu! Chết chóc chi mà kêu la cầu cứu inh ỏi!
       Bà Thu vốn đã biết chồng mình xưa nay là người đàn ông sợ vợ, bị bà sai khiến như người giúp việc ở trong nhà, nhưng bà Thu giả bộ cầu cứu ông Nam để tỏ ra bà là người phụ nữ phục tùng chồng, theo quan niệm gia đình lễ giáo: Xuất giá tòng phu. Vì vậy, khi nghe Nam lật tẩy của mình, bà Thu cười khanh khách:
- Ông là người láng giềng biết rỏ chúng tôi nhất! Chồng tôi không bao giờ dám đánh tôi nữa đâu, kể từ lúc tôi báo cảnh sát, lần đó ổng bị nhốt một đêm ở đồn cảnh sát Elizabeth, ổng sợ tới già!
       Nói rồi bà Thu đi trở về nhà kho, bà ngã mình xuống chiếc ghế dựa, hướng mắt nhìn ra ngoài suy tư. Buổi trưa mùa hè Virginia, mặt trời bắt đầu đỗ lửa, dự báo thời tiết hôm nay lên đến 37 độ censius! Trên những nóc nhà kính, chập chờn những tia nhiệt dâng lên giống như lò bát quái luyện Kim Đơn trong câu chuyện thần thoại Tề Thiên Đại Thánh. Trời nóng như thế mà lão Nguyễn vẫn còn cặm cụi làm trong nhà kính. Lão xưa nay có tiếng là nông dân mình đồng da sắt, không sợ nóng hay sợ lạnh gì cả. Điển hình như hôm nay, nhiệt độ trong nhà kính có thể lên đến bốn mươi độ mà lão vẫn ngồi lì dưới những hàng dưa leo nhổ cỏ dại quanh gốc!
      Nếu xét về phương diện làm ăn thành công trong lãnh vực nông nghiệp nơi vùng Virginia, thuở xưa lão cũng được xếp hạng nhì thuộc những hộ nông gia Việt Nam khá giả trong vùng. Lúc bấy giờ, người ta biết đến lão qua câu vè diễn tả những nông gia may mắn trúng mùa trúng giá: Nhất Nở, nhì Nguyễn, tam Sang, tứ Tháo!..
     Về sinh hoạt cộng đồng, lão cũng rất nhiệt tình và sốt sắng tham gia cộng đồng mỗi khi có tổ chức hội hè, đình đám. Tuy lão Nguyễn là một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lão không háo danh và phô trương cấp bậc của lão như các người khác! Lão Nguyễn cũng không màng tới chức vụ trong các hội đoàn mà lão tham gia sinh hoạt. Chẳng hạn: Hội Võ Khoa Thủ Đức, bấy lâu nay lão vẫn là một hội viên bình thường. Hội Nông Gia Việt Nam-Nam Úc, lão vẫn giữ vai trò “cố vấn” muôn thuở! Trong những lần tổ chức lễ truyền thống trường bộ binh Thủ Đức, lúc nào lão cũng giữ vai người trong toán rước quân kỳ. Mỗi lần làm lễ, lão mặc bộ quân phục sinh viên sĩ quan quân trường Thủ Đức, vai vác cây súng trường đi theo nhịp bước quân hành được điều khiển bởi trưởng toán hầu kỳ: “ Tất cả nghiêm, nhìn đằng trước, bước…”. Lúc nầy trông nơi lão cũng có chút oai phong, đủ để tô điểm ấn tượng đẹp cho hoài niệm một thời binh nghiệp của lão! Nhưng chỉ hơi tội nghiệp cho lão, với dáng người nhỏ nhắn, lưng hơi khòm mà trên vai mang cây súng trường Garand quá khổ chiều cao của lão, trông đầu súng gần chạm mặt đất khi lão bước đi! Rồi những lần tổ chức Tết của Hội Nông Gia Việt Nam-Nam Úc, lão thường tình nguyện ngồi bàn thu tiền đặt nơi cửa ra vào để ghi sổ cho quan khách ủng hộ tiền. Nhớ lại, có một lần tổ chức Tết Đinh Hợi năm 2007, lão được đề cử làm trưởng ban tổ chức. Năm đó, ban chấp hành phải tập luyện cho lão đọc bài diễn văn khai mạc. Lão Nguyễn phải vất vả tập cả mấy tuần lễ mới đọc trôi chảy bài diễn văn mà nội dung chỉ có một trang đánh máy của khổ giấy A4!...
      Những ai là nông gia ở vùng Virginia thì hiểu rỏ con người của lão Nguyễn nhất: Trầm lặng, ít nói và cần cù kiên nhẩn... Chính ở những điểm nầy, cứ tưởng lão là một người có tính tình hiền hậu và biết phân biệt đâu là lẽ phải, kia là điều trái, chứ không phải giống mẩu người chạy theo xôi thịt thường thấy trong sinh hoạt cộng đồng ở Nam Úc. Nhưng không phải vậy, khi lão gặp chuyện thì cũng thô lổ, văng tục không ngớt lời. Có lần, lão đi lấy tiền dưa ở một đại lý, ông chủ đại lý thu mua trả tiền rẻ hơn so với các đại lý khác, lão Nguyễn bất chợt nổi giận lôi đình, chỉ ngón tay vào mặt ông chủ đại lý, lão gằn giọng:
- ĐM! Ông không trả thêm tiền cho tui thì ông sẽ nếm mùi võ Bình Định của tui...
      Thằng em của ông chủ đại lý đứng gần đó, thấy lão hăm he anh mình, nó nhảy tới nhanh như tia chớp, quặp tay của lão ra sau lưng và ghì mặt lão xuống bàn... Lão bị tấn công bất ngờ nên chỉ còn thốt lên những tiếng kêu van xin tội nghiệp:
- Đau quá! Đau quá! Buông tui ra đi!!!!
       Kể từ ngày đó, vùng Virginia mới gọi lão với danh từ mới, nghe qua có ý vừa chế nhạo vừa hoạt kê: Lão già Bình Định!
       Nói vậy chứ cũng tội nghiệp cho lão lắm! Miệng hùm nhưng răng sứa! Nhất là lão sợ bà Thu như con nai sợ sư tử. Vì vậy lão có danh tiếng là người “sợ vợ” đứng đầu ở vùng Virginia. Mỗi khi cải vả với bà vợ, lão chỉ dám la ó, thị uy phút đầu mà thôi, đến khi bà Thu đằng hắng một tiếng thì lão im ngay tức khắc!
       Nhận xét về bà Thu vợ của lão, là người đàn bà đứng đầu trong “top five” ăn hiếp chồng, bà thuộc hạng lắm mồm và hung dữ nơi xứ rẩy Virginia! Chuyện kể rằng, có một lần bà Thu và ông Nam láng giềng với bà, xảy ra xung đột, cải vả với nhau về ranh giới. Hai người chữi nhau như tát nước, dùng toàn từ ngữ đao to búa lớn! Bà Thu đứng bên nầy ranh giới, một tay chống nạnh vào hông, một tay vổ phành phạch vào háng, miệng văng tục:
- Mầy cắn L... của tao nè .
      Bên kia đường ranh ông Nam cũng không nhịn thua, chỉ ngón tay trỏ vào hạ bộ, hắn phản lời lại:
- Mầy bú C... của tao nè.....
      Hai người chữi nhau om sòm như thế, nhưng lão Nguyễn không hề can ngăn, lão vẫn điềm nhiên tọa thị trên chiếc ghế nơi nhà kho, nhìn ra ngoài cười mĩm, theo dỏi cuộc chiến võ mồm. Khi hai người chữi nhau thỏa mãn, bà Thu và ông Nam mặc ai nấy trở vào nhà kho của mình . Bà vợ vừa bước vào cửa, lão lên tiếng:
- Láng giềng với nhau mà bà chữi không ngượng miệng!
- Cũng tại thằng “nớ” gây chuyện với tui....
        Lão Nguyễn là người có tính tình thẳng thắn, biết phân biệt phải trái, lão ngắt lời vợ nói theo công tâm:
- Tui thấy bà kiếm chuyện với ông ấy trước!
        Nghe chồng không bệnh vực mình mà còn trách móc và đỗ lỗi cho bà là người gây chuyện với ông Nam. Lão vừa nói dứt lời, bà Thu dậm chân nhảy đổng lên, vừa nói vừa khóc:
- Hu hu! Hu hu! Ông bênh vực thằng Nam! Khôn nhà dại chợ! Hu hu! Hu hu....
       Bà Thu xưa nay vốn đã thường sử dụng chiêu thức với chồng “lệ rơi cảm động lòng anh” để cho lão phải năn nỉ bà. Nhưng lần nầy, lão Nguyễn vẫn không đếm xỉa gì tới tiếng khóc của bà, mặc cho bà Thu khóc nức nở nghẹn ngào! Bà Thu vừa khóc, vừa lén mắt nhìn chồng xem chồng có quan tâm đến bà không. Khóc một lúc bà cảm thấy mỏi mệt rồi ngã lưng vào chiếc ghế dựa, bà thiếp vào giấc ngủ lúc nào không hay, trả lại bầu không khí yên tĩnh của buổi trưa hè nơi nông trại vắng vẻ!
       Lần nầy lão Nguyễn đã không năm nỉ khi bà Thu khóc, lão như cảm thấy hả dạ cho những gì lão bị ức chế từ bấy lâu nay. Lão nhìn vợ nằm ngủ trưa say giấc, mồ hôi nhuể nhải chảy dọc hai bên má, phát ra tiếng ngáy khò khò. Lão nhìn mĩm cười rồi đứng dậy bước vào khu nhà kính trồng dưa leo làm việc tiếp, dù bây giờ sức nóng vẫn còn hừng hực tỏa xuống mái nhà! Lão ngồi bệt xuống đất nhổ cỏ dại trên luống dưa leo ủ rủ vì sức nóng mùa hè!
      Làm hì hục một lúc, lão cảm thấy thấm mệt rồi thểu nảo bước ra ngồi nơi cửa nhà kính thở dốc, lấy sức! Nắng chiều bắt đầu dịu dần, chuẩn bị cho hoàng hôn đưa chiều vào tối! Lão lâu lắm rồi mới thấy cái đẹp của nắng chiều hôm nay. Hình như lão đã đi qua bao nhiêu hoàng hôn của những năm tháng nơi vùng nông trại nầy, nhưng chưa bao giờ lão có cảm giác chợt đến như hôm nay để khiến cho lão xúc cảnh sinh tình! Lão ngồi dựa lưng vào cánh cửa nhà kính, nhìn hoàng hôn trước mắt chầm chậm về trên vùng trời Virginia thơ mộng! Trước mắt lão, nắng hoàng hôn mùa hạ vẫn cháy rực nơi trời tây, như lưu luyến không cho ngày tàn!  Trên bầu trời mênh mông, những cánh chim cũng không vội vã bay về tổ ấm, thỉnh thoảng có vài con chim chao đi chao lại đôi cánh trên trời cao. Lão say sưa ngắm nhìn đàn chim chiều, đôi cánh cất lên đập xuống, loang loáng dưới ánh chiều tà…Lão ngồi nhìn trời hiu quạnh, mãi đến khi bóng tối bao trùm vùng không gian trước mắt lão mới vào nhà. Vừa đi lão vừa thốt lên lời luyến tiếc: Ngày đã tàn! …
     Còn khoảng hơn tháng nữa sẽ đến ngày tổ chức hội chợ mừng xuân và kỷ niệm ba mươi năm ngày thành lập Hội Nông Gia Việt Nam-Nam Úc. Tết năm nay, lão Nguyễn không còn cộng tác với hội nông gia nữa! Bởi vì lão đã chạy theo phe nhóm của ông Tư Bông, một Hội Nông Dân hình thành từ sự bộc phát hiềm khích cá nhân mà ra! Tuy lão đã rút tên ra khỏi hội, nhưng lần tổ chức Tết nầy, ban tổ chức Tết của hội Nông Gia Việt Nam-Nam Úc vẫn nghĩ tình lão là một người nông gia đã cống hiến cho hội với khoảng thời gian dài gần ba mươi năm qua nên ông trưởng ban tổ chức Phú của hội đã nhờ tôi đích thân đến nhà lão để đưa thiệp mời và tôi có dịp bày tỏ tâm sự với lão về hiện trạng phân hóa trong sinh hoạt của hội! Ngồi nơi phòng khách chuyện trò với lão, tôi nói sơ qua về ý nghĩa của hội chợ Tết:
- Năm nay, ban chấp hành chúng tôi tổ chức hội chợ mừng xuân và kỷ niệm ba mươi năm ngày thành lập Hội Nông Gia Việt Nam-Nam Úc, 1985-2015. Vì anh là một nông gia kỳ cựu và là hội viên lâu năm của hội nên chúng tôi mời anh với tư cách là khách VIP đến tham dự trong ngày lễ khai mạc hội chợ….
      Lão xưa nay vốn là người mù quáng trung thành tuyệt đối với Tư Bông, khi nghe tôi trình bày về tổ chức hội chợ Tết năm nay hoành tráng, lão như tỏ thái độ ganh tị, gằn giọng và nói trách:
- Ban chấp hành của các anh không hợp pháp, không có tổ chức bầu cử, không được tín nhiệm của nông gia Việt Nam vùng Virginia..v..v….
      Tôi chờ cho lão nói xong, tôi từ tốn giải thích:
- Anh là một hội viên sinh hoạt khắng khít với tôi nhất từ xưa đến nay! Anh nên hiểu rằng, chúng ta sinh hoạt hội đoàn thì phải dựa theo Nội Qui của hội chứ! Nội qui của hội đã ghi rỏ: “ Ban tổ chức bầu cử phải do ban chấp hành đương nhiệm thành lập, sau đó mới công bố trên truyền thông để kêu gọi các liên danh ra tranh cử..”. Đằng nầy, phe nhóm của ông Tư Bông không tuân thủ Nội Qui, tự động phong chức cho ông Lê Minh Phong làm chủ tịch cái gọi là “lâm thời” rồi ông chủ tịch Phong lại chỉ định cho ông Nguyễn Đình Văn làm trưởng ban bầu cử! Họ đã sửa đổi Nội Qui với những điều kiện quái gở không có trong Bản Nội Qui của hội: Ứng cử và bầu cử phải có số ABN, phải là người không làm chính trị, phải có giấy khai thuế và nhất là phải có giấy chứng nhận không tiền án!!! Hành động nầy của phe nhóm Tư Bông, anh nghĩ có đúng theo tinh thần sinh hoạt của hội không? Nhất là hội chúng ta làm việc theo tinh thần thiện nguyện.
      Nhìn thấy lão ngồi im lắng nghe, tôi phân tích tiếp:
- Như anh đây, dù sao cũng là người nông dân có trình độ văn hóa tối thiểu mới được đi học trường sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa! Anh phải nhận xét phe nào đúng, phe nào sai. Đừng vì cảm tình bè bạn mà anh đã đánh mất đi tư cách của mình! Anh nên nhìn xem, kể từ ngày ông Lắm Dòm tiếm danh chủ tịch Hội Nông Gia Việt Nam-Nam Úc, ông Lắm Dòm có làm được thành tích nào chưa? Ngoại trừ thành tích làm chia rẻ hội viên trong sinh hoạt và gây hệ quả hai phe nhóm lôi nhau ra tòa làm mất thể diện của nông gia Việt Nam vùng Virginia!
      Lão nghe tôi nhắc đến chuyện ra tòa, lão gật đầu rồi thở dài nói:
- Đúng! Chuyện nội bộ tại sao chúng ta không chịu ngồi lại với nhau để giải quyết mà đến nông nổi phải lôi kéo nhau ra tòa!
- Nếu ông Tư Bông có sự suy nghĩ như anh thì mọi chuyện đã êm đẹp! Anh là bạn thân thiết của lão già Tư Bông, chắc anh cũng biết hắn là một con người độc tài và sụt sôi trong lòng cá nhân chủ nghĩa! Anh nhìn lại xem những việc làm của hắn trong cương vị cố vấn và đảm nhiệm chức vụ trưởng Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam Virginia. Với cái chức hữu danh vô thực, nói cho đúng nghĩa chỉ là người coi sóc trung tâm, nhưng Tư Bông lúc nào cũng nghĩ hắn là một người có quyền hạn trong tay, muốn cho ai vào sinh hoạt thì phải có sự đồng ý và phải là người thuộc phe nhóm của hắn mới được vào trung tâm để sinh hoạt! Thêm nữa, Tư Bông đã dùng trung tâm Văn Hóa Virginia làm nơi gây thanh thế cho phe nhóm của hắn dưới những hình thức tổ chức Cúng Đất, giỗ tổ Hùng Vương… Nhưng cái tâm của Tư Hoa không có nên gây hậu quả giá cả hoa màu rẻ mạt trong những năm qua! Bởi vì trong vấn đề thần linh, con người phải ý thức được về thuyết nhà Phật: Linh tại ngã, bất linh tại ngã.
     Hai chúng tôi trò chuyện đến đây, tôi định đứng dậy cáo từ đi về thì lão nắm lấy tay tôi:
- Còn sớm mà! Ngồi nói chuyện tí nữa đi, chúng ta lâu rồi không có dịp ngồi trà đàm và bàn chuyện thế sự!
       Rồi lão đi xuống nhà bếp pha thêm bình trà mang lên rót vào ly của tôi:
- Trà Bảo Lộc! Đứa cháu của bà xã từ Việt Nam vừa gởi qua cho gia đình.
       Mùi trà thơm ngào ngạt của hương vị hoa lài bốc lên làm cho tôi cảm thấy kích thích khứu giác! Tôi cầm tách trà đưa lên miệng và uống thưởng thức:
- Wow! Đúng là hương vị quê nhà.
      Lão cũng nâng tách trà lên uống và gật đầu khen:
- Trà đặc sản Bảo Lộc, xưa nay danh tiếng của xứ sương mù Đà Lạt!
      Lão Nguyễn bắt đầu kể về những kỷ niệm của thời gian mà lão còn sinh hoạt trong hội nông gia:
- Lúc trước, khi chưa xảy ra chia phe xẻ nhóm! Tụi mình cuối tuần tụ tập nơi trung tâm Văn Hóa sinh hoạt rất là vui vẻ và đượm tình đoàn kết. Cứ mỗi ngày thứ bảy hằng tuần, chúng ta đem mỗi người một món đến trung tâm để góp phần chung vui sinh hoạt. Kẻ nấu chè, người làm xôi mang đến ăn và hát karaoke cho tới khi chiều tối mới về nhà. Bây giờ, không còn tìm lại được cảnh sinh hoạt như trước đây nữa!
       Tôi vẫn ngồi im lặng, ngã lưng vào ghế dựa nghe lão kể về thực trạng sinh hoạt của hội Nông Gia. Trong khi lão lim dim đôi mắt hồi tưởng, có những điều luyến tiếc cho thời sinh hoạt trong bầu không khí đoàn kết đượm tình nông gia:
- Nhớ lại thời gian trước, mỗi lần họp mặt cuối tuần, số hội viên tham dự lên đến con số trung bình là ba mươi người mỗi lần sinh hoạt. Bây giờ, có hôm vỏn vẹn ba người: Tôi, Đình Văn và Tư Bông! Chúng tôi ngồi nhìn nhau một lúc rồi lặng lẻ đóng cửa trung tâm đi về.
- Nguyên do gây chia rẻ cũng từ ông Tư Bông, một con người có lòng thù hận dai dẳng và cá nhân chủ nghĩa! Thôi! chúng ta nói hoài cũng vậy! Tranh chấp trong Hội Nông Gia chỉ còn duy nhất cách giải quyết là phải nhờ pháy lý!
      Lão nghe tôi trình bày diễn ảnh của Hội Nông Gia đưa ra pháp lý, lão cúi mặt suy nghĩ điều gì đó rồi nhẹ giọng:
- Đành chịu! Bây giờ mới nhận biết được chân lý của từ ngữ mà con người ta hay dùng để biện minh cho việc làm của mình núp dưới danh nghĩa: Làm thiện nguyện!
        Trời đã gần khuya, tôi chào lão ra về. Con đường dài hun hút đêm sâu, ẩn hiện dưới ánh đèn xe chiếu hai bên đường những dãy nhà kính như đang lùi lại phía sau lưng tôi thị trấn Virginia lẻ loi dưới bầu trời tối đen như mực . Trong tâm trí tôi, bất chợt hiện lên hình ảnh của lão: Người nông dân thầm lặng của vùng đất hồi sinh cho những người Việt Nam tỵ nạn, đã dãi dầu mưa nắng hơn ba mươi năm trên xứ người! Con số chỉ định sự hiện diện của nông gia Việt Nam nơi vùng Virginia khiến tôi phải bùi ngùi cho sự tàn nhẩn trôi nhanh của thời gian!
    Adelaide tháng 11/2015    
Dương Đại Trường